Chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 và ý kiến người trong cuộc

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 – dự án thành phần (khâu hạ nguồn) trong chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã liên hệ với các bên có liên quan và nhận được nhiều ý tâm huyết và trách nhiệm.

Chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn: Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

Phát triển chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn: Nhu cầu cần và đủ

Chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn 2

Xét báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan)… Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 (tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ). Dự án này do Liên danh Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư.

Theo đó, nội dung của Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 có những nội dung chủ yếu như sau đây:

1/ Mục tiêu dự án: Đầu tư xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. Thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để xây dựng công trình nguồn điện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thành phố Cần Thơ và khu vực lân cận.

2/ Quy mô dự án: Công suất thiết kế 1.050MW ± 10% và các hệ thống đồng bộ với tổ máy.

3/ Tổng mức đầu tư (sơ bộ): 30.560 tỷ đồng, tương đương 1,31 tỷ đô la Mỹ. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm tiết giảm, tối ưu hóa và chính xác tổng mức đầu tư trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dự án, nhất là về giá điện so với các nhà máy điện khác trong Chuỗi dự án khí – điện Lô B.

4/ Nguồn vốn: 20% vốn chủ sở hữu (tương đương 6.112 tỷ đồng) và 80% vốn vay thương mại (tương đương 24.448 tỷ đồng).

5/ Tiến độ thực hiện: Hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2024 – 2025, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí – điện Lô B.

6/ Công nghệ áp dụng: Công nghệ tua bin khí chu trình hỗn họp…

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ căn cứ văn bản quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan (bao gồm cả việc kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án).

Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Đối với nhà đầu tư: Chính phủ giao chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, hiệu quả đầu tư dự án theo quy định của pháp luật. Tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến các cơ quan liên quan tại Báo cáo thẩm định; tổ chức triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án. Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu để chuẩn xác quy mô, cấu hình và các thông số kỹ thuật chủ yếu; tiết giảm, tối ưu hóa và xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án theo quy định pháp luật, tăng tính cạnh tranh của dự án, nhất là về giá điện so với các dự án nhà máy điện khác trong Chuỗi dự án khí – điện Lô B; làm rõ tính khả thi về nguồn vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư của dự án theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm khả thi, cạnh tranh và có hiệu quả.

Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các bước của dự án bảo đảm tiến độ được duyệt, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện dự án trong quá trình thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm về năng lực, kinh nghiệm, đúng quy định như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1200/TTg-CN ngày 25 tháng 9 năm 2019. Chỉ đạo, hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án theo đúng quy định, nhất là các nội dung về giá điện, đầu tư, vận hành Nhà máy, bảo đảm giá điện cạnh tranh, đồng bộ về tiến độ và hiệu quả chung của Chuỗi dự án khí – điện Lô B.

Đặc biệt là việc chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đàm phán giá điện cụ thể của dự án với nhà đầu tư theo đúng quy định.

Cùng với đó là chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện đàm phán các hợp đồng mua bán khí của dự án với nhà đầu tư theo đúng quy định, bảo đảm việc tiêu thụ sản lượng khí Lô B theo các cam kết, bảo lãnh của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí – điện Lô B.

Ý kiến các bên có liên quan

Dự án nhiệt điện Ô Môn 2 là dự án thành phần (khâu hạ nguồn) trong chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, mà Chính phủ, bộ, ngành và các bên liên quan sẽ còn cần nỗ lực hết mình để cân đối nguồn lực và hoàn tất thiết kế kỹ thuật, các quy trình đàm phán và cam kết hợp đồng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này, chúng tôi đã liên hệ với các bên có liên quan và nhận được các ý kiến như sau:

Lãnh đạo nhà điều hành Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) cho rằng: Quyết định này sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt, bế tắc lâu nay trong chuỗi dự án. Theo đó, về phía khâu thượng nguồn, nhà điều hành Phú Quốc POC sẽ phối hợp cùng các đối tác và các bên có liên quan trong chuỗi dự án thúc đẩy nhanh các đàm phán thương mại để sớm có quyết định đầu tư (FID).

Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – PVEP (đối tác trong hợp đồng phân chia sản phẩm thuộc liên doanh điều hành dầu khí Phú Quốc POC) nhấn mạnh: Phê duyệt của Thủ tướng sẽ là một trong những mấu chốt góp phần khai thông chuỗi dự án mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, PVEP và các đối tác từ Nhật Bản và Thái Lan (khâu thượng nguồn) đã đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Còn lãnh đạo Marubeni cho biết: Chúng tôi sẽ tuân thủ quyết định của Thủ tướng (thông qua Văn phòng Chính phủ) và phối hợp chặt chẽ với các bộ và các bên liên quan để tiến hành các bước tiếp theo để phát triển dự án như nghiên cứu khả thi (FS), thảo luận về các tài liệu dự án bao gồm cả các đàm phán hợp đồng bán khí (GSA) và hợp đồng mua bán điện (PPA).

Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan để hiện thực hóa dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 đồng bộ với các dự án thành phần trong chuỗi dự án Lô B nhằm cung cấp điện và góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng phụ cận nói chung.

Leave Comments

0938 862 177
0987511900